Topbanner

Xử lý tận gốc xe quá tải hoạt động trên cầu Thăng Long bằng cách nào?

Cao Tuân

SKĐS - Nhiều phương án được đưa ra để ngăn chặn, xử lý tận gốc xe quá khổ, quá tải hoạt động trên cầu Thăng Long làm phá vỡ kết cấu hạ tầng, gây mất an toàn giao thông.

Tìm giải pháp xử lý tận gốc vấn nạn xe quá tải

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong quý I/2022, lực lượng chức năng đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn 19.500 phương tiện, trong đó phát hiện hơn 2.400 phương tiện vi phạm, tước 463 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông khác nên nhiều chủ xe, lái xe lợi dụng tiếp tục vi phạm chở hàng quá tải, dẫn đến tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại, đặc biệt tại khu vực cầu Thăng Long như Báo Sức khoẻ & Đời sống đã phản ánh.

Ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, liên quan đến xử lý phương tiện vi phạm trên cầu Thăng Long, trong quý I/2022, tổ công tác lập biên bản xử phạt đối với gần 20 phương tiện vi phạm chở hàng quá tải thiết kế. Điển hình như xe ô tô tải đầu kéo BKS đầu 88H - 182.28, BKS móc 88R - 009.44 quá tải 214%; xe tải BKS: 29H – 399.65 quá tải gần 100%; xe tải BKS: 20C - 108.73 quá tải 81%...

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng xe, Cục Quản lý đường bộ I vẫn tăng cường lực lượng phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội ngăn chặn xe quá tải lưu thông qua cầu Thăng Long.

a2-1655622419.jpeg
 
a3-1655622419.jpeg

Buổi tối là thời điểm xe quá khổ, quá tải từ các hướng chạy qua cầu Thăng Long rầm rộ nhất.

Trong khi đó, để xử lý tận gốc đối với chủ phương tiện, chủ hàng cố tình vi phạm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng công an, thanh tra giao thông cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32 của Thủ tướng về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong việc kiểm soát tải trọng xe.

Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện của địa phương, kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm; Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe.

Áp dụng phạt nguội phương tiện vi phạm

Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, ông Đặng Văn Chung - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Ngay sau khi sửa chữa mặt cầu Thăng Long (tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng) và thông xe, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thành lập tổ kiểm tra tải trọng xe hoạt động 24/24h tại hai đầu cầu, nhằm ngăn xe quá tải lên cầu. Tuy nhiên sức người có hạn, hễ vắng bóng lực lượng chức năng là các đoàn xe quá tải chạy rầm rộ qua cầu Thăng Long.

Bên cạnh việc chuẩn bị lắp đặt hệ thống trạm cân tải trọng tự động ở hai đầu cầu Thăng Long để xử phạt phương tiện quá tải trọng, trong thời gian tới lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh hoạt động sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh các xe có kích thước thành thùng lớn hơn kích thước được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường làm căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ xe và lái xe theo quy định tại Thông tư 06 ngày 28/2/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

"Ví dụ như khi một phương tiện thay đổi kích thước thành thùng khi bị thiết bị ghi hình chụp lại, lực lượng chức năng sẽ tra cứu biển kiểm soát và gửi thông báo đến chủ xe. Theo quy định, ngoài xử phạt lái xe, chủ xe là tổ chức sẽ bị phạt từ 24 – 32 triệu đồng các lỗi cơi nới thành thùng xe, đưa xe có kích thước không đúng với đăng ký lưu thông", ông Đặng Văn Chung nói và nhấn mạnh, việc áp dụng xử phạt gián tiếp với mức xử phạt cao sẽ nâng cao ý thức chấp hành giao thông của doanh nghiệp vận tải và lái xe.

a4-1655622461.jpeg
 
a1-1655622495.jpeg

Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý trực tiếp thì việc áp dụng xử phạt gián tiếp với mức xử phạt cao sẽ nâng cao ý thức chấp hành giao thông của doanh nghiệp vận tải và lái xe.

Chia sẻ về tình trạng xe quá tải vẫn bất chấp vi phạm, lưu thông trên cầu Thăng Long, các chuyên gia cho rằng, việc vi phạm chở quá tải không phải ngẫu nhiên mà là cố ý, vì nó đem lại lợi ích cho một số người. Vấn đề nằm ở chỗ, lợi ích chỉ một số ít người được hưởng nhưng cả xã hội phải chịu hậu quả của việc đường hư hỏng do xe quá tải gây ra.

TS. Nguyễn Xuân Thủy – Chuyên gia giao thông nhận định, gốc rễ của xe quá tải chính là vấn đề lợi nhuận. Bởi lợi nhuận từ việc cơi nới thành thùng để chở quá tải khá cao, trong khi mất ít chi phí cải tạo, do đó, nhiều chủ xe và tài xế biết là rõ vi phạm nhưng vẫn bất chấp pháp luật.

"Người ta phá luật để tìm ra lợi nhuận cao nhất. Nhất là các xí nghiệp vận tải tư nhân thường cố gắng nới thùng xe, chở quá tải càng nhiều càng tốt. Quá trình lưu thông thì tìm cách trốn tránh các cơ quan chức năng, né các trạm cân", TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

Mối họa mà xe tự ý cơi nới thành thùng để chở quá tải gây ra không chỉ nằm ở việc tàn phá kết cấu hạ tầng giao thông mà còn trực tiếp đe dọa sức khỏe, tính mạng của những người tham gia giao thông. Việc tự ý thay đổi kết cấu sẽ ảnh hưởng lớn tới vị trí trọng tâm xe, do đó, khi phanh gấp hoặc vào cua ở những nơi có bán kính nhỏ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Cao Tuân