Topbanner

Cuộc chạy đua trong ngành phim ảnh Hàn Quốc hậu 'Squid Game'

Đáng sống

Các công ty giải trí nội địa ráo riết chạy đua với những nhà sản xuất đa quốc gia để giành thị phần trên nền tảng trực tuyến.

Sau khi ra mắt, Squid Game trở thành series được xem nhiều nhất trên Netflix của nhiều quốc gia - The Korea Herald và Sina ghi nhận. Sự thành công của Squid Game khiến các nền tảng xem phim trực tuyến đa quốc gia mong muốn hợp tác với những người sáng tạo nội dung ở Hàn Quốc.

Các nền tảng phát sóng đa quốc gia cho phép người dùng trên thế giới tiếp cận nội dung nói tiếng Hàn một cách dễ dàng hơn thông qua nguồn phụ đề đa ngôn ngữ được cập nhật liên tục. Đi kèm đó là sức quảng bá trên phạm vi toàn cầu, lượng tiêu thụ nội dung tiếng Hàn được thúc đẩy nhanh chóng và rộng rãi bằng các thuật toán đề xuất của nền tảng.

Các hãng lớn kiếm lợi ở Hàn

Theo The Korea Herald, tại buổi họp báo trực tuyến, đại diện Disney+ - nền tảng xem phim trực tuyến của hãng Walt Disney - công bố định hướng hoạt động trong tháng 11 tới. Người đại diện sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất nội dung Hàn Quốc.

Mặc dù từ chối tiết lộ chi tiết về khoản đầu tư, Jay Trinidad - đại diện điều hành bộ phận khách hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Disney - nhấn mạnh về một con số “khổng lồ” trong kế hoạch rót vốn.

Squid Game anh 1

Trong buổi họp báo, Disney+ tỏ ý muốn đầu tư cho thị trường phim ảnh Hàn.

Trinidad nhận định: "Nội dung giải trí của Hàn Quốc không chỉ hấp dẫn đối với công chúng trong nước mà còn phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt là ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương". Theo ông, với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, Disney sẽ nâng tầm phim ảnh Hàn Quốc trong mắt khán giả thế giới.

Ngoài ra, tính sáng tạo cũng là một yếu tố quan trọng trong các phim Hàn Quốc. Trinidad nói thêm: “Thắng lợi của Parasite tại lễ trao giải Oscar đã cho cả thế giới thấy trí tưởng tượng của các nhà làm nội dung người Hàn”. Sự đầu tư từ Disney+ được dự đoán làm rung chuyển thị trường phát trực tuyến tại Hàn Quốc, song song "ông trùm" Netflix.

Gia nhập thị trường vào năm 2016, Netflix hiện là người dẫn đầu với hơn 50% thị phần, tiếp theo là nền tảng phát trực tuyến nội địa Wavve với khoảng 20% ​​thị phần.

Sina cũng ghi nhận động thái chiếu phim Hàn với mật độ dầy trong vòng một năm nay của Netflix. Netflix đã đầu tư hơn 770 tỷ won để sản xuất 80 nội dung gốc bằng tiếng Hàn trên nền tảng trong giai đoạn 2016 đến 2020. Tính riêng trong năm nay, công ty có dự định đầu tư hơn 550 tỷ won để tăng sự đa dạng cho các thể loại phim ảnh Hàn Quốc.

Cuộc tăng tốc của những ông lớn Hàn Quốc

Lee Ki Hoon, nhà phân tích của Hana Financial Investment, trả lời The Korea Herald: “Thị trường đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể ở Hàn Quốc và nước ngoài trong bối cảnh xu hướng giải trí tại nhà do cuộc khủng hoảng dịch bệnh kéo dài. Nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến nội địa phải tiếp tục mở rộng đầu tư vào sản xuất nội dung để theo kịp các tập đoàn đối thủ nước ngoài”.

Trong thời điểm các doanh nghiệp phim trực tuyến toàn cầu như Netflix và Disney+ để mắt đến thị trường truyền thông địa phương, các nhà phát triển nền tảng trong nước rục rịch trở mình để lấy lại vị trí ở sân chơi nội địa.

Theo các nguồn tin trong nước, nền tảng TVING do CJ ENM điều hành đang kêu gọi vốn từ những quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Động thái này của TVING ​​sẽ tiếp thêm động lực cho sự cạnh tranh trên thị trường vốn đã khốc liệt.

Wavve - một liên doanh giữa nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu quốc gia là SK Telecom và các đài truyền hình KBS, MBC, SBS, công bố kế hoạch đầu tư 1.000 tỷ won vào nội dung trong vòng 5 năm. SK Telecom đã quyết định tài trợ cho kế hoạch này bằng cách phát hành 100 tỷ won cổ phiếu mới.

Seezn - một dịch vụ phát trực tuyến do công ty KT điều hành, đang có kế hoạch tạo ra hơn 100 bộ phim gốc vào năm 2023 với số vốn hơn 400 tỷ won. Trong khi đó, dịch vụ truyền hình KakaoTV đặt mục tiêu tạo ra khoảng 240 nội dung thông qua khoản đầu tư 300 tỷ won cùng năm.

Squid Game anh 2

KakaoTV và Kakao Talk là hai ứng dụng giải trí được đón nhận nồng nhiệt tại xứ kim chi.

Theo trang SeoulZ, loạt nền tảng nội địa như Wavve và TVING đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của lượt người đăng ký, chứng tỏ khán giả vẫn ưu tiên các dịch vụ xem phim trong nước. Một nền tảng không thể sản xuất hết tất cả loại hình để đáp ứng nhu cầu người dùng, vì vậy những nội dung mang tính đặc thù hoặc được sản xuất cho thị trường ngách sẽ là hướng đi bền vững giúp các công ty nội địa giữ được vị trí của mình. Thêm vào đó, các nhà làm sáng tạo sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho kênh phân phối nội dung.

Các chuyên gia dự đoán việc kết hợp với công nghệ 5G, VR, AR và cơ sở hạ tầng điện tử mạnh mẽ giúp các nhà phát triển nền tảng nội địa có thêm cơ hội cạnh tranh trong những thị trường ngách - nơi các tập đoàn đa quốc gia không có độ bao quát tốt như công ty nội địa. Điển hình là khi có nhiều sự lựa chọn như Google, Facebook hay Instagram, người dân Hàn Quốc vẫn tin dùng các ứng dụng trong nước là Naver và KakaoTalk.

Nhìn từ phía nhà làm phim

Dựa vào xu hướng sử dụng các nền tảng trình chiếu trực tuyến của khán giả thế giới, nhà sản xuất nội dung của Hàn Quốc tập trung chiến lược “xuất khẩu văn hóa” bằng việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nền tảng trực tuyến.

Những bộ phim Hàn Quốc trình chiếu độc quyền trên Netflix như D.P. đã gây tiếng vang trong xã hội Hàn Quốc và nhận được sự thích thú của khán giả quốc tế. Song, Squid Game gây kinh ngạc cho thế giới khi lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Netflix Hoa Kỳ với tư cách là một bộ phim không nói tiếng Anh.

Bên cạnh đó, nguồn vốn dồi dào đến từ các quỹ đầu tư nước ngoài và điều kiện hợp tác ưu đãi cũng là yếu tố thu hút các nhà sản xuất nội dung trong nước.

Nhờ những nền tảng đa quốc gia, công chúng thế giới một lần nữa phải quan tâm khái niệm Hallyu (Hàn lưu - làn sóng văn hoá Hàn Quốc thông qua các nội dung và sản phẩm giải trí). Đây được nhận xét là quyền lực mềm cho sự bành trướng của đất nước gần 52 triệu dân này trên thị trường quốc tế.