Hồi mới ra trường, nhận công việc với đồng lương bấp bênh chỉ 5 triệu, tôi thấp thỏm lo lắng cực kỳ. Câu hỏi làm thế nào để không lâm vào cảnh khốn khó và có thêm chút tiền tiết kiệm cho những nguy cấp cứ ám ảnh tôi mãi. Thế nhưng, chỉ sau gần 6 năm đi làm, dù lương chỉ tăng lên thành 7 triệu, tôi vẫn có cuộc sống rất thoải mái, thậm chí là còn kịp lận lưng thêm gần 200 triệu tiền tiết kiệm .
Nói ra có người lại cho rằng tôi nói điêu, lương 5 - 7 triệu chắc gì đã đủ sống còn ở thành phố đắt đỏ nói gì có dư tận 200 triệu. Song, điều đó hoàn toàn là có thể nếu bạn biết cách chi tiêu hợp lý, hạn chế các khoản chi của bản thân ở ngưỡng an toàn. Hay đơn giản nhất là áp dụng triệt để 4 cách sau.
Chia nhỏ các khoản chi tiêu
Mới nghe đến đây nhiều người đã lắc đầu từ chối, bởi lẽ ngay từ bước đầu đã phải chi li tính toán từng khoản nhỏ như thế này, còn gì là thoải mái. Song, nếu thật sự muốn có cuộc sống dư dả và tiết kiệm được tiền, bạn bắt buộc phải có một kế hoạch chi tiêu rạch ròi và tỉ mỉ để không phạm vào lối vung tiền quá tay, lãng phí đi thu nhập hằng tháng cho những thứ không đáng có.
Tùy theo mức thu nhập mà mỗi người thường có một công thức chia nhỏ các khoản chi khác nhau. Song, công thức phổ biến nhất vẫn là: khoản chi thiết yếu 60% thu nhập, backup cho những thứ lặt vặt phát sinh 10%, tự do tài chính và hưởng thụ 20%, tiết kiệm 10%.
Không vượt qua các giới hạn chi tiêu
Đặt ra ngưỡng chi tiêu hợp lý và không đi quá giới hạn đó, hoàn toàn có thể đem lại cho bạn cuộc sống sung túc về lâu về dài. Đừng xem đây như một mệnh lệnh bắt buộc, gò ép bản thân phải cân đo đong đếm làm sao chỉ gói gọn những khoản chi trong mức giới hạn. Mà hãy xem đây như một mục tiêu để phấn đấu cho tương lai của bạn. Lời khuyên để áp dụng cách thức này dễ nhất là tập thói quen ghi lại tất cả những khoản chi nhỏ lẻ tới to lớn mỗi tháng của bạn để kiểm soát tất cả dòng tiền ra vào.
Tất nhiên, sẽ có những tháng có quá nhiều vấn đề phát sinh khiến bạn rơi vào trạng thái thâm hụt tiền bạc. Thế nhưng, tiêu lẹm vào phần tiền tiết kiệm luôn là điều tối kỵ lớn nhất trong việc quản lý tài chính cá nhân. Thay vào đó, bạn có thể chọn cách giải quyết là giữ nguyên số tiền thừa gửi tiết kiệm như kế hoạch, số tiền đội giá thì vay bạn bè hoặc người thân. Việc trả nợ sẽ được trừ thẳng vào số tiền chi tiêu thiết yếu, backup hoặc cắt bớt các khoản hưởng thụ trên. Song đây chỉ là cách làm khi quá bí bách, cần phải tiêu gấp số tiền đó. Còn nếu vẫn có thể chi tiêu đúng kế hoạch đặt ra, hãy luôn tuân thủ đúng theo quy tắc, đừng mờ mắt trước những cuộc sắm sanh, ăn chơi và tụ họp quá nhiều.
Sống tối giản để tiết kiệm chi phí
Sống tối giản tất nhiên không phải là bỏ hết các nhu cầu cá nhân hay việc hưởng thụ cuộc sống đi. Mà nó mang hàm nghĩa hãy cắt giảm những thứ không cần thiết đến mức tối đa để bảo vệ túi tiền của bạn.
Ví dụ dễ hiểu nhất là thay vì thuê một mình một căn phòng, bạn có thể share ra với 1 - 2 người bạn nữa. Thay vì chọn ăn ngoài mọi lúc, mọi nơi, bạn có thể tập nấu ăn tại nhà và chỉ ăn sang chảnh vào dịp đặc biệt. Thay vì mua sắm đồ dùng theo trend bạn có thể chọn thứ phù hợp, có thể sử dụng lâu dài…
Đừng chỉ dùng tiền đẻ tiền bằng cách gửi tiết kiệm ngân hàng
Nếu lương của bạn là 5 - 7 triệu, mỗi tháng bạn chỉ có thể tiết kiệm được 500k - 1 triệu kể cả khi siết chặt các khoản chi, giới hạn bản thân ở các ngưỡng an toàn. Cộng dồn với lãi suất ngân hàng, cố lắm trong 6 năm bạn chỉ có thể dư dả chưa tới 100 triệu. Thế nên, đừng chỉ dùng tiền đẻ ra tiền bằng mỗi cách tiết kiệm ngân hàng.
Thay vào đó, bạn có thể chấp nhận rủi ro chút ít nhưng kiếm được nhiều hơn nếu tập tành nghiên cứu đầu tư vào chứng khoán, trái phiếu và kinh doanh nho nhỏ trong thời gian không vướng bận công việc. Lợi nhuận bạn có thể tiết kiệm tất hoặc lại chia nhỏ ra để tái đầu tư, chi tiêu thêm một phần cho thoải mái và giữ lại tiết kiệm một ít tùy theo ý muốn. Có thể ban đầu bạn thấy phí công sức, lời lãi chẳng được bao nhiêu, song "tích tiểu thành đại", số tiền nhỏ bé bạn đẻ ra lúc này hoàn toàn có thể là một khoản khổng lồ theo năm tháng.
Kết
Nhiều người vẫn cho rằng lương thấp còn phải tiết kiệm là điều gì đó nặng nề và khó khăn ghê lắm. Song, tiết kiệm không quá khó, quan trọng là mỗi món tiền bạn chi ra đều có kế hoạch và mục tiêu cụ thể, không vung tay quá trán so với mức thu nhập là được. Học cách siết chặt chi tiêu ngay từ đầu không chỉ đảm bảo cho tương lai sau này của bạn mà còn phần nào giúp bạn giảm đi áp lực, nỗi lo làm sao để duy trì cuộc sống hằng ngày. Làm được điều này, lương thấp cũng có thể khiến bạn sống thoải mái và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Ảnh: Tổng hợp