Đây cũng là hướng phát triển được Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XV của tỉnh Quảng Ninh đặt ra với mục tiêu ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện khu vực miền Đông của địa phương này.
Trang trại dưa lưới rộng 5 ha ở huyện Đầm Hà của anh Nguyễn Hữu Nhượng (39 tuổi) đang là điểm đến học tập của nhiều nông dân địa phương và cả nông dân ngoài tỉnh. Năm 2017, từ chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, anh Nhượng đã thuyết phục hàng chục hộ dân tập trung đất đai để có mặt bằng đủ điều kiện áp dụng công nghệ sản xuất rau quả an toàn.
Buổi đầu cũng gặp không ít khó khăn với những đêm không ngủ, những bữa ăn ngay trong nhà lưới trồng dưa, thậm chí có lúc tưởng như phải bỏ cuộc... Đất quê không phụ lòng người quê, vụ đầu tiên trang trại của anh thu hoạch hơn 11 tấn dưa, trừ chi phí sản xuất, trang trại thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Anh Nhượng cho biết: "Điều quan trọng là suy nghĩ của nông dân thay đổi vì họ chưa được tiếp xúc với công nghệ bao giờ. Mô hình của tôi hiện nay như điểm đến thăm quan, học hỏi, nẩy ra ý tưởng dám nghĩ, dám làm và nhất là thanh niên và các hộ nông dân. Vì họ có đất và nhân công. Hiện nay họ chỉ cần bỏ 350 triệu/1.000m2 đất thì có thể đảm bảo thu nhập từ 5-7 triệu/tháng, giảm bớt gánh nặng dư thừa cho lao động địa phương".
Đến nay thì những trái dưa "công nghệ" và các loại rau sạch được trồng trong nhà màng, nhà kính đã trở thành niềm tự hào của những người nông dân Đầm Hà.
Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Tân Thanh, xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) cho biết: "Trước đây tôi trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu nhưng từ khi công ty mở ra tôi đã bán đất cho công ty và được tuyển vào đây làm. Mới đầu trồng cây hoàn toàn theo công nghệ nên chúng tôi phải học lại rất nhiều giờ thành quen việc. Mỗi tháng thu nhập của tôi được khoảng 6 triệu đồng, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp trước đây".
Không chỉ có rau, quả sạch, Đầm Hà còn ghi dấu trên bản đồ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với HTX sản xuất giống giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Anh Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Huyền Tuyền cho biết, HTX của anh đang áp dụng các công nghệ ươm nuôi gà giống và gà thương phẩm trong chuồng lạnh, thức ăn cho gà được bổ sung một số loại thảo dược và chất hữu cơ để bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất cung cấp ra thị trường Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội...
"Năm 2015, tôi tiếp cận được công nghệ thụ tinh nhân tạo cho gà, từ đó mình kiểm soát được chế độ ăn, can xi trong trứng gà ấp để có được giống gà bản khỏe mạnh đồng đều về chất lượng. Hiện nay tôi liên kết với các hộ dân ở Đầm Hà và Tiên Yên từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và đến khi gà đủ ngày đủ tháng tôi trực tiếp thu mua, tiêu thụ cho bà con" - anh Tuyền chia sẻ.
Theo ông Trần Danh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, Đảng bộ huyện đã có Nghị quyết đặt rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch trên 200 ha để kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
"Chúng tôi đã phối hợp với các sở, ngành rà soát, phối hợp để hình thành 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, chế biến sữa. UBND huyện Đầm Hà cũng lên kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đáp ứng nhu cầu về lao động có tay nghề khi các khu nông nghiệp này đi vào hoạt động" - ông Cường nhấn mạnh.
Lãnh đạo huyện Đầm Hà cũng đánh giá, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện giúp người nông dân giảm thiểu rủi ro trước những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm so với cách làm thông thường. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn là lĩnh vực mới và tiềm ẩn nhiều khó khăn như vấn đề tư duy, nhận thức; nguồn vốn và gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Trong thời gian tới địa phương sẽ hoàn thiện những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển hiệu quả, bền vững./.