Topbanner

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - Chốn thanh tịnh nép mình trong dãy núi Tam Đảo

Nguyễn Thành Long

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là 1 trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Nơi đây được đánh giá là đạt đến vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và sự sáng tạo độc đáo mang đậm dấu ấn kiến trúc Phật giáo đương đại.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền móng cũ của Thiên ân Thiền Tự, một đại danh lam thời Lý Trần, nằm trên ngọn đồi rộng khoảng 4,5 ha, tọa lạc ở độ cao từ 250m đến 300m so với mặt biển. 

Tây Thiên có nghĩa là “bầu trời Tây” thể hiện thế giới cực lạc và dùng để chỉ ngọn núi Thạch Bàn của dãy Tam Đảo. Ngoài ra, cái tên này còn có ý nghĩa là nơi nhà sư Tây Thiên tu hành và được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam truyền đạo.

kinh-nghiem-hanh-huong-den-thien-vien-truc-lam-tay-thien-o-vinh-phuc-3-1646452767.jpg

Thiền viện Trúc lâm Tây thiên đại diện cho tinh thần khoáng đạt của Thiền phái Trúc Khương Tăng Hội và Trúc Lâm tam tổ sáng lập. Nơi đây còn là một trung tâm tu học lớn tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu, đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công từ ngày 4/4/2004 với tổng số vốn 30 tỷ đồng. Sau hơn 15 tháng xây dựng công trình mang tầm cỡ quốc gia này đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25/11/2005. Công trình to lớn này đã được xây dựng với thời gian nhanh và giá thành thấp kỷ lục. Sở dĩ tốc độ xây dựng nhanh như vậy vì có sự tham gia đóng góp của hàng ngàn người, trong đó có các nghệ nhân và làng nghề trên khắp cả nước cùng quy tụ về.

kinh-nghiem-hanh-huong-den-thien-vien-truc-lam-tay-thien-o-vinh-phuc-5-1646452768.jpg

Được bao bọc xung quanh bởi đồi núi trập trùng kỳ vĩ, hào hùng hòa cùng không gian thanh bình, tĩnh lặng, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được hiện lên trên nền xanh của màu thiên nhiên kỳ vĩ tạo ra một bức tranh thiên nhiên đầy sống động.

Để lên chính điện, người đến thăm phải bước lên nhiều bậc đá, qua cổng tam quan. Chính điện có chiều cao 17 m, rộng 675 m2, gồm 4 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ gần 1 m. Trong chính điện thờ tượng Phật tổ, bên trái là lầu Chuông, bên phải lầu Trống, ở giữa là 3 tượng Phật lớn. Ngoài ra còn có nhà trưng bày các hiện vật có niên hiệu từ đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…

Đến nơi linh thiêng u tịch này vào những ngày hè, đứng dưới chân núi nhìn lên, ta thấy thiền viện thấp thoáng trong rừng thông với ngàn mây lơ lửng. Khi lên đến đỉnh núi, du khách bị hút hồn bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, được tận hưởng khí hậu mát mẻ trong lành, được thả hồn trong không gian trầm lắng với những đồi thông hòa quyện với mây trời.

kinh-nghiem-hanh-huong-den-thien-vien-truc-lam-tay-thien-o-vinh-phuc-18-1646452766.jpg

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mùa lễ hội.

Từ Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chúng ta có thể nhìn thấy dãy núi Ba Vì, nhìn rõ ba ngọn Tam Đảo quanh năm mây phủ huyền hoặc. Đến đây, được nghe tiếng chuông chùa ngân vọng trầm vang, con người dường như quên mất công việc bộn bề thường ngày mà chỉ thấy lòng mình thanh thản, tĩnh tâm, thư thái, thoát tục, như được về với thế giới tâm linh của miền đất Phật.

1618394361-thien-vien-truc-lam-tay-thien-tam-dao-7-1646453728.jpg

Quý khách đến Thiền viện không chỉ thỏa sức chìm đắm trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn đến đây để cầu lộc, may mắn, bình an, công việc thì thuận buồm xuôi gió….

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên là một công trình kiến trúc hoành tráng, nguy nga, mang dấu ấn về kiến trúc, thẩm mỹ học Phật giáo. Tránh được sự sao chép một cách máy móc theo những ngôi chùa cổ Việt Nam ở thế kỷ 16 - 17 mà mang tính truyền thống hài hoà với hiện đại, giữ được nét đặc thù của ngôi chùa phật giáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh của phật tử ngày nay, bảo vệ được cảnh quan và môi trường sinh thái phong phú và hấp dẫn của khu vực vườn Quốc gia Tam Đảo.

Thành Long