Topbanner

Đìu hiu khu đô thị giữa lòng Hà Nội, giá nhà đất rẻ bất ngờ

Cao Tuân

Trong khi giá nhà đất ngày một tăng cao, nhiều người chật vật không mua nổi căn nhà thì giữa lòng Hà Nội có khu đô thị lớn với hàng nghìn căn biệt thự, shophouse, nhà liền kề, chung cư… lại vắng bóng người ở.

Khu đô thị Phú Lương (toạ lạc ở quận Hà Đông) với diện tích hơn 36 ha do công ty Trung Việt là chủ đầu tư và xây dựng từng được quảng cáo là một nơi đáng sống bậc nhất của thủ đô. Theo thiết kế, khu đô thị này có mật độ xây dựng 43% bao gồm nhà liền kề, biệt thự và chung cư; dân số khu vực ước tính gần 10.000 người. Điểm nhấn của khu đô thị là có diện tích đất hơn 100.000 m2 làm công viên cây xanh và gần 20.000 m2 dành cho công trình công cộng.

Thế nhưng sau nhiều năm xây dựng, khu đô thị có vị trí chiến lược đa dạng về các sản phẩm bất động sản lại đìu hiu, vắng bóng người ở. Bên cạnh những mô hình biệt thự, nhà liền kề xây xong không có người ở thì nhiều dãy nhà trở um tùm cỏ mọc, trở thành nơi tập kết rác hoặc trồng rau của những người dân lân cận.

Điều đáng nói, dù được thiết kế ban đầu là khu đô thị loại 1 của thủ đô Hà Nội thế nhưng nhiều khu vực vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục điện nước, giao thông, cổng ra vào…

Vào năm 2020 khi bất động sản nóng sốt, những căn biệt thự ở đây có giá hàng chục tỷ đồng khiến nhiều người mơ ước. Thế nhưng hai năm sau khi thị trường trầm lắng, nơi đây lại có tên “khu đô thị ma” bởi sự hoang vắng, đìu hiu của chính nó.

1-1650450975.jpg

Lối vào khu đô thị Phú Lương.

Bà Lê Thị Hoa, người dân sống trên đường Lê Trọng Tấn, của phường Phú La (quận Hà Đông) cho biết: “Nhiều năm qua khu độ thị này hầu như ít người ở, rất lãng phí. Giá các căn biệt thự, nhà liền kề cũng giảm nhiều. Nếu như ở phường La Khê ở sát cạnh giá nhà liền kề khoảng 6-7 tỷ đồng/lô 50m2 thì ở đây chỉ khoảng 4 tỷ đồng”.

Một người họ hàng của bà Hoa mua căn biệt thự ở khu đô thị Phú Lương từ khi dự án mở bán đợt đầu tiên với giá 22 tỷ. Thế nhưng do các tiện ích như trường học, bệnh viện, siêu thị… chưa hình thành nên họ không về ở. Từ đầu năm 2022 đến nay, họ rao bán với giá 15 tỷ đồng nhưng chưa ai mua. Lâu lâu có người thấy căn hộ rao bán trên mạng với giá rẻ nên đến xem và tìm hiểu về dự án. Tuy nhiên sau khi tham quan toàn khu đô thị thì họ tỏ ra ngán ngẩm và từ chối mua. Thế nên mấy năm nay, bà Hoa ra đây trồng rau xanh ở lối đất trống gần căn biệt thự để trông coi giúp người nhà. 

“Tình trạng này diễn ra rất lâu, làm ảnh hưởng chung đến thị trường bất động sản phía Tây thành phố Hà Nội. Theo tôi, các chủ đầu tư cần có giải pháp thu hút người dân đến ở bằng việc mạnh tay đầu tư hạ tầng, tiện ích, mạng lưới giao thông. Thực tế hiện nay để thanh khoản những sản phẩm bất động sản đã đầu tư ở đây là rất khí (trừ khi họ cắt lỗ) nên chủ đầu tư cần phải có chính sách ưu đãi cho chủ sở hữu để phủ kín người ở. Khi mọi tiện ích được hình thành, khu đô thị sầm uất thì giá nhà đất mới tăng trưởng được”, ông Nguyễn Kế Linh, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Hà Thành chia sẻ.

4-1650450998.jpg

Một số khu vực bỏ hoang suốt thời gian dài không thấy xây dựng.

Ở góc nhìn pháp lý, chuyên gia kinh tế Phan Hùng Sơn cho rằng: Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội cần đưa ra phương án đánh thuế cao đối với biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang trên 6 tháng, không đưa vào sử dụng. Mức thuế có thể áp khoảng 5 đến 10% theo giá trị hợp đồng. Việc này sẽ giải quyết được vấn đề nhà đất bỏ hoang ngày càng nhiều, gây lãng phí tài nguyên cũng như mất mỹ quan đô thị. Chưa kể việc đánh thuế cao đối với các sản phẩm bất động sản bỏ hoang sẽ giảm bớt được phần nào tình trạng “ôm đất”, dòng vốn chảy vào nhà đất trong khi hiện nay các ngành nghề đang gặp khó khăn về tài chính để tái sản xuất, kinh doanh.

Ông Phan Hùng Sơn cũng đưa ra một vài dẫn chứng về khu đô thị bỏ hoang cả chục năm ngay giữa Hà Nội như Dự án Khu đô thị mới Dương Nội rộng hơn 100ha, được khởi công từ năm 2008; dự án Khu đô thị mới Văn Phú khởi công từ năm 2007 với quy hoạch 3.000 căn hộ (cả hai dự án đều ở quận Hà Đông). Hay như dự án khu đô thị An Khánh ở huyện Hoài Đức, dự án khu đô thị Cầu Bươu ở huyện Thanh Trì xây dựng dở dang, phơi mưa phơi nắng cả chục năm nay.

“Đã đến lúc Chính phủ cần thanh tra làm rõ trách nhiệm của những người phê duyệt quy hoạch, chủ đầu tư, nhà thầu trong việc sử dụng “đất vàng” ở trung tâm thủ đô sau đó xây dựng ồ ạt để bán bất động sản rồi bỏ hoang. Việc này không chỉ lãng phí mà còn phát sinh nhiều hệ luỵ trong công tác quản lý”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Một số hình ảnh về Khu đô thị Phú Lương vắng bóng người ở:

12-1650451022.jpg
 
11-1650451023.jpg
 
5-1650451023.jpg
 
9-1650451023.jpg
 
8-1650451022.jpg
 
6-1650451022.jpg
 
2-1650451022.jpg
 
3-1650451022.jpg

 

Bảo Nguyên