Rap Việt mùa 2 nhận được sự chú ý của khán giả khi phát sóng tập đầu tiên. Dàn giám khảo, huấn luyện viên và thí sinh gây ấn tượng nhờ những bộ trang phục độc đáo, thể hiện chất riêng.
Hình ảnh của giám khảo LK và các thí sinh 16 BrT, Mai Âm Nhạc đều có điểm chung đến từ chiếc vòng cổ xích to bản đính đá lấp lánh, đậm dấu ấn cá nhân của giới rapper.
Giám khảo LK và thí sinh 16 BrT đều chọn xích cổ to bản để thể hiện chất riêng của một rapper. Ảnh: Rap Việt. |
Sự hình thành phong cách của dân rapper
Từ những năm cuối của thập niên 1960, kể từ khi Hubert G. Brown đổi tên thành H. Rap Brown, từ khóa "rap" đã tiến sâu hơn vào đại chúng, thể loại âm nhạc này dần chiếm được tình cảm của người nghe.
Chính sự bùng nổ về trào lưu rap đã kéo theo những biến chuyển trong làng thời trang thế giới. Các rapper thể hiện dấu ấn cá nhân và lối sống phóng khoáng thông qua phong cách mặc. Điều này ngầm khẳng định thời trang bắt đầu bước vào thời kỳ cộng sinh với rap. Đó là cách họ thể hiện cái tôi và phô trương sự thành công ở bất cứ đâu.
Tuy nhiên, tại thời điểm khi nền văn hóa hip hop thịnh hành, các thương hiệu thời trang xa xỉ từng miệt thị nhạc rap, từ chối bán hàng cho người da màu. Đó là điều đã thôi thúc những thợ may ở "kinh đô của dân Mỹ gốc Phi" tự tìm ra giải pháp cho chính mình.
Người thợ may có tên Dapper Dan nhập mọi thứ, từ chiếc quần ống loe cho tới miếng logo được gắn trên các loại đồ da đắt tiền và biến chúng thành thiết kế mang đậm chất đường phố như áo jacket bomber quá khổ hay áo khoác với điểm nhấn giả lông chim quý tộc. Tất cả đều dành cho dân rapper.
Anh đã định hình phong cách hip hop trong hơn một thập kỷ, đặc trưng bởi kiểu quần rộng thùng thình, ảnh hưởng của loại trang phục thể thao và các thiết kế xa xỉ nhưng được sửa lại cho phù hợp với âm hưởng đường phố.
Gu ăn mặc của nhóm nhạc đình đám thập niên 1980 - Run DMC. Ảnh: Hype beast. |
Đến năm 1990, rapper bắt đầu chán chạy theo các thương hiệu xa xỉ. Khi Wu Tang Clan ra mắt hãng thời trang Wu Wear, một thế hệ nghệ sĩ rap đã nhận ra họ có thể làm chủ thứ họ quảng bá.
Và Pharrell xuất hiện. Anh tạo ra điểm nhấn mới cho phong cách hip hop với ván trượt, trang phục đường phố đậm chất Nhật Bản, punk. Pharrell mở ra một thế giới mà ở đó Kanye West có thể mặc áo polo hồng, đeo balo mà vẫn bán đắt hàng hơn 50 Cent.
Pharrell thúc đẩy hình thành môi trường trong đó Young Thug mặc váy, Lil Uzi Vert mặc áo phông Gosha Rubchinskiy tại lễ trao giải Grammy mà vẫn là một phần của cộng đồng hip hop. Sau Pharrell, hip hop style đánh mất tính kiên định nhưng lại tìm thấy tiếng nói của chính mình.
Ngày nay, gu ăn mặc của dân rapper đa dạng hơn. Nữ rapper có thể mặc đồ với đường cut-out táo bạo, khoe cơ thể trên sân khấu nhưng đâu đó tinh thần đường phố bụi phủi vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến những con người đam mê nền văn hóa rap, hip hop.
Ngày nay, gu ăn mặc của dân rapper có phần đa dạng hơn về màu sắc, kiểu dáng trang phục nhưng vẫn thể hiện tinh thần đường phố bụi phủi. Ảnh: Hype Beast. |
Phụ kiện đặc trưng của dân rapper
Các mẫu vòng cổ dây xích lấp lánh chính là một phần không thể thiếu của phong cách hip hop. Đây là khát vọng của các rapper. Nó thể hiện qua lời bài hát, sự kiên trì dẫn đến thành công. Đồng thời, trang sức vòng cổ xích là biểu tượng đại diện cho sự thành công.
Việc các nam rapper đeo chiếc xích kim loại to bản để làm điểm nhấn đến từ câu chuyện tạo sự gắn kết giữa hip hop với công chúng. Điều này đã ngầm khẳng định thời trang bắt đầu bước vào thời kỳ cộng sinh với rap. Đó là cách họ thể hiện cái tôi và phô trương sự thành công.
Chính cách phô trương bản thân của rapper phần nào giúp hip hop trở thành một nền văn hóa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp thời trang.
Highsnobiety nhận định rằng LL Cool J là một ví dụ điển hình khi nói đến rapper đeo dây chuyền vàng. Ông là một trong những người khiến nhẫn bốn ngón trở nên phổ biến. Trong khi đó, rapper Biz Markie mang đến bước tiến mới với mẫu dây xích đính kim cương.
Các nhà nghiên cứu lịch sử nhạc rap cho rằng hip hop là phương tiện để người da màu khẳng định cá tính riêng. Bởi vậy, khi đạt được thành công, họ sử dụng phụ kiện để nói về bản thân và văn hóa của một cộng đồng.
Khi hip hop và rap được thương mại hóa, những món trang sức này cũng đồng dạng, trở thành một phương thức marketing, quảng cáo cho độ thành công của dòng nhạc này.
Với những nghệ sĩ da màu, rap và văn hóa hip hop giúp họ bước ra khỏi sự tăm tối, xóa bỏ vị thế thấp kém và tô vẽ một tương lai rực rỡ hơn. Việc họ thường lựa chọn một loại phụ kiện để thể hiện bản thân trước công chúng, không phải là vô tình mà đến từ sự tính toán kỹ lưỡng cho một hành trình dài.
Những chiếc vòng xích to bản đại diện cho sự thành công, nền văn hóa và bản sắc riêng của giới rapper. Ảnh: LL Cool J, Harper's Bazaar. |