Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, lượng khí thải trên toàn cầu sẽ cần phải đạt đỉnh vào năm 2025 và sau đó giảm mạnh để có thể đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Báo cáo đã gióng lên hồi chuông “báo tử” đối với việc sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch, trước khi chúng hủy diệt hành tinh của nhân loại. Các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm ngoài tầm kiểm soát với hoàng loạt kiểu thời tiết cực đoan xảy ra.
Trong báo cáo, IPCC cho biết 10% số hộ gia đình có mức thu nhập cao nhất thế giới tạo ra 36-45% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
IPCC kêu gọi thế giới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than đá và cắt giảm lượng tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt ở mức lần lượt 60% và 70%.
“Những cam kết của các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là không đủ để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C”, các chuyên gia IPCC cho biết.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu khuyến nghị một số biện pháp có thể giúp giảm 40-70% lượng phát thải carbon vào năm 2050, như cắt giảm các chuyến bay đường dài, thúc đẩy chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, cắt giảm nhu cầu năng lượng...
Cùng ngày, Chủ tịch IPCC về biến đổi khí hậu, ông Hoesung Lee đưa ra cảnh báo: "Chúng ta đang ở ngã ba đường. Thời điểm hiện tại, chúng ta cần đưa ra các giải pháp sáng suốt để có thể đảm bảo sự sống cho tương lai".
Nhưng báo cáo của IPCC còn nêu rõ một điều quan trọng hơn: "Chúng ta có thể tránh được nhiều tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, nếu các nước hành động tích cực ngay bây giờ".
“Báo cáo mới của IPCC là lời cảnh báo cuối cùng rằng bong bóng của những lời hứa suông sắp vỡ. Các quốc gia G20 cần nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu và đưa ra các chính sách đảm bảo rằng Trái đất của chúng ta không nóng lên quá 1,5°C vào cuối thế kỷ này”, theo Giáo sư Saleemul Huq, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Biến đổi Khí hậu và Phát triển (ICCCAD) và Phó Giám đốc cấp cao Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED).