Topbanner

Cựu yakuza Nhật Bản chật vật tìm đường hoàn lương

Đáng sống

Trước những định kiến nặng nề của xã hội và rào cản pháp lý, nhiều cựu thành viên yakuza Nhật Bản khó tìm được việc làm, dẫn đến tình trạng quay trở lại con đường tội phạm.

xa hoi den Nhat Ban chat vat tim duong hoan luong anh 1

 

Thao tác chuẩn bị những bát mì udon nóng hổi đặc trưng của đầu bếp Takashi Nakamoto rất nhanh nhẹn. Sự khéo léo này khiến người khác chẳng để ý ngón tay út bên trái đã mất của ông, theo The Washington Post.

Suốt 3 thập kỷ, Nakamoto vươn lên và đứng trong hàng ngũ cấp cao của băng đảng xã hội đen Kudo-kai - tổ chức yakuza được mệnh danh bạo lực nhất xứ hoa anh đào.

Thế nhưng, hiện tổ chức mafia này giảm mạnh số lượng thành viên do Nhật Bản siết chặt luật pháp. Thực trạng cũng khiến ngày càng nhiều người rời băng đảng yakuza như ông Nakamoto.

Năm 2015, ông Nakamoto suy nghĩ về tương lai khi đang thụ lý án tù cuối cùng. Ông đã mất niềm tin vào tổ chức và tương lai của nó. Ông hiểu rằng đã đến lúc phải rời đi.

“Tôi học được nhiều thứ dù nay đã rời khỏi băng đảng. Một số điều cốt lõi vẫn tương tự nhau”, Nakamoto (55 tuổi) chia sẻ. Nhà hàng mì udon của ông tọa lạc tại Kitakyushu, thành phố ở miền nam Nhật Bản, cũng là quê hương của Kudo-kai.

xa hoi den Nhat Ban chat vat tim duong hoan luong anh 2

Ông Nakamoto, cựu thành viên băng đảng Kudo-kai, hiện là chủ nhà hàng mì udon ở thành phố Kitakyushu.

“Tôi từng sẵn sàng làm mọi thứ và chết vì băng đảng. Giờ đây, tôi chỉ áp dụng sang lĩnh vực khác với cùng tâm lý, đặt quyết tâm đó vào cuộc sống sinh hoạt và lao động trong xã hội bình thường”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm “bình thường” thường không hề dễ dàng đối với các cựu thành viên yakuza. Họ phải đối mặt với sự kỳ thị của xã hội và rào cản pháp lý nghiêm trọng.

Chính phủ Nhật Bản có một số chương trình hỗ trợ tài chính cho những yakuza hoàn lương, song nhiều cánh cửa cơ hội vẫn đóng chặt.

Suy giảm thành viên

Rất dễ để nhận biết các thành viên thuộc băng đảng yakuza, tức mafia Nhật Bản. Họ thường xăm toàn thân và bị cắt cụt ngón tay út như một hình phạt nếu phạm lỗi.

Trong nhiều năm, yakuza hoạt động công khai. Cảnh sát có thực hiện giám sát các băng đảng xã hội đen này, song ngầm hiểu rằng yakuza sẽ xử lý những tội phạm nhỏ ở địa phương và để cho người dân bình thường được yên ổn.

Nhưng giờ đây, khi quyền lực của giới xã hội đen dần suy yếu, giới chức Nhật Bản đang gây nhiều áp lực hơn.

Số thành viên yakuza đang giảm mạnh. Đó là kết quả của một thập kỷ tăng cường đàn áp, nhằm vào các tổ chức tội phạm và ngăn chặn chúng tiếp cận được những hoạt động phi pháp, bao gồm buôn bán ma túy, rửa tiền và cờ bạc.

Năm 2011, Nhật Bản ghi nhận khoảng 70.300 thành viên yakuza. Nhưng đến năm 2020, con số đã giảm xuống chỉ còn 25.900 người, theo Trung tâm Quốc gia về Xóa bỏ các tổ chức tội phạm Nhật Bản.

Cuộc đàn áp mạnh mẽ đã khiến những thành viên lâu năm như Nakamoto có thể rời bỏ tổ chức mà không lo sợ bị trả thù vì đã vi phạm quy định về lòng trung thành.

xa hoi den Nhat Ban chat vat tim duong hoan luong anh 3

Satoru Nomura (trong trang phục trắng), thủ lĩnh của băng đảng Kudo-kai, vào năm 2010. Ảnh: Reuters.

Ngày 24/8, một tòa án Nhật Bản đã tuyên án tử hình đối với Satoru Nomura, thủ lĩnh của băng đảng Kudo-kai khét tiếng.

Nomura bị kết tội có vai trò trong các vụ tấn công vào 4 thường dân, trong đó một người bị sát hại. Đây được cho là lần đầu tiên một thành viên cấp cao của yakuza bị kết án tử hình.

Phán quyết đã gửi đi một thông điệp lớn rằng thời thế đang dần thay đổi đối với yakuza.

“Theo tôi, bản án có tác động đến giới yakuza vì những hạn chế và quy định nói chung sẽ tiếp tục trở nên nghiêm ngặt hơn. Giờ đây, yakuza đã có tiền lệ về án tử hình”

Yakuza suy tàn

Các nhóm mafia Nhật Bản từng hoạt động trắng trợn công khai và rất mạnh về tài chính vào khoảng một thập kỷ trước. Sau đó, giới chức bắt đầu ban hành lệnh cấm bất kỳ doanh nghiệp hoặc cá nhân nào liên kết với thành viên hay hoạt động nào của yakuza.

Noboru Hirosue, chuyên gia nổi tiếng về xã hội học tội phạm và yakuza, cho biết luật được thiết kế để cách ly yakuza khỏi xã hội. Điều đó có nghĩa rằng các thành viên thuộc băng đảng xã hội đen không còn có thể mở tài khoản ngân hàng, thuê nhà, mua bảo hiểm hoặc điện thoại di động.

Okita, người đã rời bỏ tổ chức tội phạm lớn nhất xứ hoa anh đào Yamaguchi-gumi, cho biết các cuộc đàn áp cũng hạn chế cả gia đình của các thành viên yakuza và một số người khác trong vòng xã hội.

Những thay đổi này dẫn đến việc các thủ lĩnh yakuza lớn tuổi chọn cách nghỉ hưu sớm, và nhiều cấp dưới cũng rời đi.

“Luật đã có tác động rất lớn đến giới xã hội đen”, ông Okita kể lại.

Tuy nhiên, Hirosue, với tư cách là nhân viên quản chế tại Bộ Tư pháp Nhật Bản, cho biết những thay đổi này đồng thời dẫn đến sự gia tăng các mạng lưới tội phạm khác bên ngoài yakuza.

Theo ông, các nhóm này hiện chuyển sang cách thức hoạt động mới, bao gồm lừa đảo người cao tuổi, tội phạm mạng và kiếm lời từ một số loại thuốc hợp pháp như thuốc ngủ hoặc morphine.

“Giờ đây, thế giới ngầm của Nhật Bản đã bước sang giai đoạn mới”, Hirosue nói.

Ít cơ hội hoàn lương

Motohisa Nakamizo, người đã rời Kudo-kai vào năm 2011 khi sếp ông nghỉ hưu, được công ty bất động sản của cha mẹ ông tuyển dụng. Đó là công việc hợp pháp đầu tiên của Nakamizo sau khoảng 30 năm xử lý việc buôn bán ma túy ở Kudo-kai.

Tuy nhiên, những cơ hội tương tự là rất hiếm. Quy định tại địa phương vẫn cấm các cựu thành viên yakuza mở tài khoản ngân hàng hoặc ký hợp đồng thuê nhà trong vòng ít nhất 5 năm kể từ khi họ rời ngành.

xa hoi den Nhat Ban chat vat tim duong hoan luong anh 4

Motohisa Nakamizo là một trong số ít những cựu yakuza tìm được việc làm sau khi rời thế giới ngầm.

Theo phân tích của ông Hirosue dựa trên số liệu việc làm của Bộ Tư pháp dành cho các cựu thành viên yakuza thông báo rời băng đảng với cảnh sát từ năm 2010-2018, chỉ 3% tìm được nghề mới. Một số khác quay trở lại với tổ chức hoặc gia nhập băng nhóm mới.

“Bạn phải hiểu rằng 5 năm đầu tiên sau khi ra tù hoặc rời tổ chức xã hội đen sẽ không giống với những người khác. Mọi người thường động viên rằng chúng tôi có thể làm lại từ con số 0, nhưng thực chất, chúng tôi nỗ lực từ số âm để được mức 0”, Nakamizo (56 tuổi), làm việc tại văn phòng ở thành phố Hakata, chia sẻ.

Nakamizo hiện thuê các cựu thành viên yakuza làm việc tại công ty bất động sản của ông như một phần trong chương trình của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trong số họ vượt qua được 5 năm đầu tiên. Những người còn lại thường trở lại con đường tội phạm.

“Tôi ước rằng toàn xã hội sẽ không còn định kiến và cho những người này một cơ hội. Nếu không, họ sẽ chẳng còn nơi nào để đi và khiến họ phạm phải sai lầm lần nữa”, Nakamizo nói.

Nhiều người phải đối mặt với khoảng cách học vấn khó có thể vượt qua. Chẳng hạn, Ryuichi Komura rời tổ chức Yamaguchi-gumi ở tuổi 38. Anh chỉ học hết cấp 2 và từng thực hiện bản án 4 năm tù.

“Tôi muốn thay đổi cuộc sống của mình”, anh nói. Tuy nhiên, cơ hội tìm được việc làm ổn định của anh là rất thấp. Anh quan tâm đến luật pháp, nhưng với tư cách là một cựu thành viên yakuza, anh không thể trở thành một luật sư.

Thay vào đó, anh quyết định làm bài kiểm tra để trở thành chuyên gia tư vấn luật pháp - công việc tương tự luật sư với tỷ lệ đỗ chỉ 3%. Anh đã ôn luyện suốt 8 năm. Vào lần thi thứ 7, anh đã thành công. Năm ấy, anh 46 tuổi.

Chủ động tìm kiếm cơ hội

20 năm trước, các thành viên băng đảng Kudo-kai đã đâm xe vào một quán trà ở Kitakyushu. Đó là hành vi nhằm trả thù chủ cửa hàng Toshiyuki Tsuji. Ngày đó, để ngăn chặn tổ chức tội phạm này định cư trong khu phố, ông Tsuji đã bỏ tiền mua tòa nhà mà Kudo-kai muốn.

Vì vậy, khi cố gắng mở nhà hàng ở khu mua sắm Tsuji trong khi vẫn còn trong lệnh cấm 5 năm, đầu bếp Nakamoto gặp phải nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ông đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với những chủ cửa hàng khác, trung thực chia sẻ về khoảng thời gian hoạt động ở Kudo-kai, tình nguyện nhặt rác trên đường phố và tham gia các lễ hội, sự kiện của khu mua sắm.

“Sẽ chẳng điều gì thay đổi nếu bạn cứ ngồi chờ 5 năm hạn chế trôi qua. Bạn không thể chỉ đợi mọi người đến giúp mình, mà phải chủ động trước”, ông nói.

Tsuji rất ấn tượng với Nakamoto. Với tư cách là người đứng đầu khu mua sắm, Tsuji đã chấp nhận yêu cầu được mở nhà hàng mì udon của Nakamoto.

“Nếu ai đó là cựu thành viên yakuza đến gặp, trước tiên tôi sẽ nói chuyện với họ. Tôi sẽ nhìn vào mắt người đó để xem họ có thực sự muốn bắt đầu lại cuộc đời không. Mọi người đều xứng đáng được hưởng quyền tự do cơ bản để lao động”, Tsuji cho biết.

Vào một ngày tháng 10, một lượng thực khách ổn định đến ăn trưa tại nhà hàng 13 chỗ ngồi của Nakamoto. Ông vẫn tình nguyện tham gia các lễ hội, sự kiện và quét dọn đường phố dù không được yêu cầu.

Chiếc áo dài tay màu đen giúp Nakamoto che đi những hình xăm cũ khi ông làm việc. Song, ông không che giấu quá khứ của mình.

Nakamoto đóng khung tờ báo kể về câu chuyện từng làm yakuza của ông trên tường. Còn trong nhà vệ sinh, ông để một số cuốn truyện tranh về một trùm xã hội đen trở thành người chồng nội trợ tận tụy trong gia đình.