Topbanner

Đáng sợ nhất là nhấc điện thoại lên nghe tin ông bà đổ bệnh: Sức khoẻ tuổi xế chiều như quả bom bị rút chốt, không biết nó sẽ nổ lúc nào!

Đáng sống

Càng lớn bạn sẽ càng nhận ra, sự thành công của người trẻ nên được đo bằng sức khỏe của ông bà, bố mẹ. Và ngược lại, người lớn trong gia đình cũng cần sống khỏe trước thì con cháu mới an vui được.

Người ta bảo tốc độ trưởng thành của chúng ta chẳng bao giờ có thể đuổi kịp tốc độ già đi của ông bà. Ngày mà bóng lưng của chúng ta cao lớn mạnh mẽ hơn cũng là lúc bóng lưng của ông bà ngày một nhỏ bé và còng xuống.

Đến một lúc nào đó, cuộc điện thoại đáng sợ nhất trên đời chính là nhấc máy lên nghe được tin ông bà đổ bệnh. Nếu bạn vẫn còn đi học, nếu bạn mới chỉ bước vào xã hội được 1-2 năm, nếu bạn chỉ có thể tự lo chuyện cơm ăn áo mặc cho chính mình, nếu tài khoản của bạn không vượt quá 10 chữ số, nếu bạn không có nhiều bạn bè quen biết bác sĩ này, bác sĩ nọ, cảm giác hoảng sợ trong bạn sẽ càng lớn hơn. Bạn không biết phải làm gì cả.

Hôm qua, tôi nghe tin bà của một người bạn thân tôi quen thời trung học bị ung thư dạ dày, đã di căn. Ngay cả với điều kiện y tế tiên tiến như hiện tại, ung thư vẫn là một cái gì đó quá đáng sợ. Căn bệnh không thể chữa được hoàn toàn này mang đến cho những người còn lại cảm giác tuyệt vọng khi chứng kiến cảnh người thân mình đau đớn mà bản thân thì bất lực.

Bởi thế mới nói, sợ nhất người lớn trong nhà đổ bệnh, sợ mình không kịp báo đáp, sợ bản thân không thể ở bên họ lâu hơn. Tôi đã gọi về nhà ngay sau khi nghe tin về bà của cô bạn thân. Tôi sợ người già chủ quan, cũng sợ họ xem nhẹ bệnh tật trong người, sợ họ cố gắng chịu đựng những cơn đau vì không muốn tôi lo lắng trong khi chính cơ thể và tâm trí mình đang kiệt quệ. Ông bà ngày một già đi, sức khỏe họ xuống dốc trầm trọng, và nguyên nhân sâu xa âu cũng bởi những ngày tháng làm việc quần quật, "bỏ quên" chính mình để lo lắng cho cuộc đời con cháu.

Đáng sợ nhất là nhấc điện thoại lên nghe tin ông bà đổ bệnh: Sức khoẻ tuổi xế chiều như quả bom bị rút chốt, không biết nó sẽ nổ lúc nào! - Ảnh 1.
 

Họ chấp nhận làm mọi thứ vì thế hệ sau và họ nghĩ thế là tốt nhất. Họ không ngại cái gọi là đau ốm vì cho rằng sinh lão bệnh tử nào ai trốn tránh được. Nhưng họ đã quên mất rằng, có đôi khi sống thiếu thốn một chút vẫn còn tốt hơn là sống mà bên cạnh thiếu đi sự đồng hành của ông bà cha mẹ. Những quan niệm cố hữu trong đầu người lớn tuổi là thứ người trẻ không phải muốn là có thể thay đổi được ngay. Thậm chí, khi bạn nhắc ông bà chú ý giữ gìn sức khỏe hay phải thay đổi thói quen sinh hoạt, thói quen sống để khỏe hơn, ông bà còn giận dỗi, mắng bạn "trứng mà đòi khôn hơn vịt" cũng nên.

Càng lớn tôi càng nhận ra, sự thành công của người trẻ nên được đo bằng sức khỏe của ông bà, bố mẹ trong gia đình. Về một khía cạnh nào đó, vế ngược lại của nó cũng đúng luôn, đó chính là ông bà, bố mẹ phải sống khỏe trước thì con cháu mới hạnh phúc viên mãn được. Đã đến lúc chúng ta nên ngừng vô tâm để kiếm nhiều tiền hơn và dành nhiều thời gian cho ông bà hơn, bởi thế giới tinh thần của chúng ta rất phong phú nhưng thế giới của ông bà chỉ có chúng ta mà thôi. Và cũng đã đến lúc, người già trong nhà cũng nên sống cho mình nữa thay vì chỉ sống cho con cháu, bởi ông bà sống khỏe, con cháu đã an tâm phần nào.

Đáng sợ nhất là nhấc điện thoại lên nghe tin ông bà đổ bệnh: Sức khoẻ tuổi xế chiều như quả bom bị rút chốt, không biết nó sẽ nổ lúc nào! - Ảnh 2.
 

Tôi từng nói với ông bà không biết bao nhiêu lần, giống như ngày bé ông bà từng nói với tôi. Không ăn thức ăn thừa, không ăn đồ đã để quá lâu trong tủ lạnh, không tự bê, tự xách đồ nặng, không cố chịu đau, phải nói với con cháu trước khi đưa ra bất kì quyết định nào. Bệnh nền, bệnh vặt, bệnh người già... tất cả đều như những quả bom đã bị rút chốt. Bạn không biết nó sẽ nổ lúc nào, chỉ biết một khi nó nổ, vẻ đẹp sẽ biến thành tro tàn, chỉ còn lại sự tiếc nuối và niềm đau vô hạn.

Đáng sợ nhất là nhấc điện thoại lên nghe tin ông bà đổ bệnh: Sức khoẻ tuổi xế chiều như quả bom bị rút chốt, không biết nó sẽ nổ lúc nào! - Ảnh 3.
 

Vậy chúng ta có thể làm gì? Đơn giản là hãy biến mình trở thành cầu nối, thành "lá chắn" bảo vệ sức khỏe của ông bà, bố mẹ. Hãy dùng chính sự nhanh nhạy, hiểu biết của người trẻ làm hành trang truyền tải thông tin bổ ích đến người lớn trong gia đình. Hãy để ông bà hiểu sức khỏe của mình chính là món quà quý giá nhất đối với cháu con! Và xa hơn nữa là để chính ông bà cũng trở thành những chiến binh mãi mạnh mẽ theo tháng năm, dùng sự khỏe mạnh của chính mình biến thành hậu phương vững chắc cho thế hệ con cháu thêm vững bước.

Với cùng thông điệp như trên, chuyên đề đặc biệt mang tên "Sống khỏe - Quà tặng cháu con" do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hợp tác với Công ty Truyền thông VCCorp và Mạng xã hội Lotus thực hiện đã ra đời. Đây là chuỗi hoạt động trọng điểm trong vòng 3 tháng được triển khai ngay từ tháng 10/2021 giúp cho người cao tuổi có thể tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân một cách dễ dàng thông qua nhiều hình thức thông tin và tư vấn. Bên cạnh đó, chuyên đề cũng kỳ vọng góp một phần nhỏ bé vào sứ mệnh thức tỉnh giới trẻ, giúp họ bớt mải mê vùng vẫy với vùng trời của riêng mình mà quên đi ông bà, cha mẹ.

Không bó hẹp trong một chủ đề hay một tuyến nội dung nhất định nào, chuyên đề "Sống khỏe - Quà tặng cháu con" sẽ được thể hiện đa dạng dưới mọi hình thức và triển khai đồng loạt trên nhiều nền tảng. Tất cả đều hướng tới một mục đích duy nhất là giúp người cao tuổi tự tin sống vui - khỏe - có ích, để những nguồn cảm hứng tích cực không ngừng được truyền tải từ thế hệ trước đến thế hệ sau, để từng gia đình nhỏ thêm hạnh phúc và sau cuối là để một Việt Nam an vui, khỏe mạnh.