Ở người cao tuổi, sự lão hóa tự nhiên của cơ thể sẽ gây nên nhiều biến đổi của cơ thể bao gồm cả sự lão hóa của hệ thống miễn dịch, làm suy giảm miễn dịch và tăng phản ứng viêm. Sự xuất hiện của tình trạng suy giảm miễn dịch và tăng phản ứng viêm, sẽ làm cho virus khi xâm nhập vào cơ thể người lớn tuổi sẽ sao chép và nhân lên nhanh chóng, tấn công dễ dàng hơn vào các cơ quan đặc biệt là ở phổi so với người trẻ tuổi.
Những nguyên tắc vàng để người cao tuổi có thể tránh được nguy cơ mắc COVID-19 bao gồm: rửa tay thường xuyên, hạn chế tối đa ra ngoài, tiêm đủ 2 liều vắc-xin, chú ý dinh dưỡng, dùng thuốc an toàn, hợp lý, duy trì vận động và tập luyện tại nhà để tăng cường sức khỏe.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia y tế và Bộ Y tế (Quyết định 4156/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 về Tài liệu Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà) khuyến cáo người cao tuổi nên thực hiện những điều sau:
1. Người cao tuổi cần đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 (hoặc tiêm đủ 3 mũi khi Bộ Y tế có hướng dẫn mới)
Người cao tuổi nên tránh tâm lý lo sợ vắc-xin thiếu an toàn hoặc tuổi cao, có nhiều bệnh lý nền không thể tiêm được vắc-xin.
WHO khuyến cáo các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 là phản ứng bình thường của cơ thể trong quá trình đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc-xin; trường hợp xuất hiện biến chứng nặng là rất hiếm gặp, trong khi lợi ích mang lại trong việc bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng trước COVID-19 lớn hơn rất nhiều.
Cho tới nay tỷ lệ biến chứng nặng sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở nhóm người trên 60 tuổi được chứng minh lại càng hiếm gặp hơn rất nhiều so với nhóm người trẻ dưới 40 tuổi, nên người cao tuổi hãy yên tâm đi tiêm vắc-xin COVID-19, "dù là bệnh nền gì" khi đang ổn định đều có thể tiêm vắc-xin COVID-19.
2. Giữ vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm
- Hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, thời gian tối thiểu 30 giây. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay, sau đó hãy rửa tay.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, làm sạch và khử trùng các bề mặt, đồ vật thường chạm vào (tay nắm cửa, điện thoại...) bằng dung dịch cồn 70% - 80%.
- Hạn chế tối đa việc ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.
- Nếu buộc phải ra ngoài, luôn luôn đeo khẩu trang (lưu ý sử dụng khẩu trang đúng cách); nếu có thể hãy đeo 2 khẩu trang kết hợp kính chống giọt bắn, hãy luôn ý thức giữ khoảng cách khi tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
- Khi đi thang máy tránh để ngón tay tiếp xúc trực tiếp lúc ấn nút thang máy. Có thể sử dụng khăn giấy hoặc dùng tăm, bỏ vào thùng rác sau khi ra khỏi thang máy.
- Khi về nhà, hãy rửa tay ngay lập tức trước khi làm bất cứ việc gì khác. Sau đó hãy cởi bỏ khẩu trang, thay quần áo... rồi mới chạm vào người khác và đồ vật xung quanh.
- Bảo đảm môi trường sinh hoạt trong gia đình thông thoáng, thường xuyên mở cửa sổ, tránh sử dụng điều hòa…
3. Duy trì vận động, tập luyện thường xuyên tại nhà
Trong mùa dịch, thay vì ngồi xem ti vi quá nhiều, người cao tuổi cần đều đặn duy trì vận động tại nhà, ngoài những thú vui nhỏ, như: chăm sóc vật nuôi, cây cảnh, cá cảnh, làm vườn... có rất nhiều bài tập dễ thực hiện, thuận tiện, không tốn kém cho người cao tuổi như:
- Các bài tập thăng bằng, tập khỏe cơ: tập 3 buổi/tuần, mỗi buổi 30 phút.
Nâng tạ với các động tác gập/duỗi khuỷu tay, dạng vai từ 7- 15 lần cho mỗi động tác, lặp lại 3 hiệp.
Đứng lên ngồi xuống 7-15 lần tùy theo sức khỏe, đứng trên mũi chân, đứng trên gót chân, có ghế/thanh vịn phía trước để đảm bảo an toàn;
Các bài tập thăng bằng: đứng mũi chân chạm gót, đứng chụm chân, đứng trên 1 chân.
Có thể tự làm các tạ tay nặng từ 0,5kg- 2kg bằng cách cho đỗ, ngô, sỏi... vào trong các chai, lọ.
- Các bài tập duy trì sức bền (đạp xe lực kế, bước tại chỗ): tập duy trì 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần
- Tập Suối nguồn tươi trẻ,Thái cực quyền, Dịch cân kinh, thiền: tập hàng ngày với thời gian từ 30 - 60 phút/ngày.
- Mức độ luyện tập nên vừa phải vì khả năng gắng sức tối đa ở người cao tuổi thường bị suy giảm. Có thể chia ngắn các buổi tập 10- 15 phút/ buổi đối với người cao tuổi yếu hơn. Khi tập người cao tuổi vẫn có thể vừa nói chuyện được là mức độ tập vừa với sức.
4. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý nhằm nâng cao thể trạng
Người cao tuổi cần chú ý ăn đủ chất, đủ dinh dưỡng (1.700- 1.900 Kcal/ngày), cân đối, lành mạnh; thực hiện nghiêm túc chế độ dinh dưỡng bệnh lý theo bệnh lý nền của mình, nhưng tránh áp dụng chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo vì sẽ làm cho cơ thể thiếu chất gây suy yếu hệ miễn dịch.
Ăn nhiều rau xanh, hoa quả tránh thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước hằng ngày (tối thiểu 2 lít mỗi ngày). Nói không với thuốc lá, đồ uống có cồn (rượu, bia). Ăn 3 - 4 bữa mỗi ngày, nếu ăn uống không đủ, cần uống thêm 1 - 2 cốc sữa bổ sung dinh dưỡng mỗi ngày.
5. Kiểm soát tốt các bệnh nền mãn tính
- Tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn, không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài.
- Người cao tuổi cần tự tìm hiểu, tư vấn bác sĩ về các kiến thức y học để tự theo dõi, phát hiện các triệu chứng của bệnh mạch vành, cao huyết áp, đột quỵ não... Khi thấy bệnh nền có dấu hiệu trở nặng cần liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám, tránh tâm lý lo ngại vào bệnh viện khi đang còn dịch COVID-19 khiến bệnh nền, biến chứng càng nặng, khó cứu chữa.
6. Kiểm soát tâm lý, giữ vững tinh thần tốt trong mùa dịch
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đại dịch COVID-19 còn gây nên những tác động tâm lý ở người cao tuổi. Đặc biệt, trong thời gian qua, các thông tin về COVID-19 như thiếu thực phẩm, máy thở, thuốc men, bác sĩ, bệnh viện, tỷ lệ tử vong cao ở người lớn tuổi, có bệnh nền... có thể khiến người cao tuổi căng thẳng, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và con cháu.
Thêm vào đó, khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội người cao tuổi chỉ ở trong nhà, không giao lưu với bên ngoài, ít vận động… thậm chí cả điều kiện kinh tế eo hẹp cũng đã tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ.
Để vượt qua những tác động tâm lý do đại dịch gây ra, người cao tuổi có thể lưu ý đến các lời khuyên sau:
- Lo lắng và sợ hãi trong đại dịch COVID-19 là điều bình thường, người cao tuổi cần biết cách nói ra những cảm xúc của mình sẽ giúp giảm bớt phiền muộn.
- Giới hạn khung giờ cập nhật, tiếp xúc thông tin COVID-19 mỗi ngày, lựa chọn các thông tin tích cực. Hãy chắc chắn cập nhật những thông tin mới nhất về COVID 19 từ các nguồn đáng tin cậy (báo, đài chính thống, truyền hình trung ương, địa phương). Hiện có rất nhiều thông tin không chính xác, tin giả liên quan COVID-19 đang được lan truyền trong cộng đồng, đặc biệt là trên các mạng truyền thông xã hội.
- Thực hiện các phương pháp giữ cho tinh thần khỏe mạnh trước sự mất mát như ghi chép những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân, học và thực hành thiền, nói chuyện với những người mà bản thân tin tưởng...
- Tham gia công tác phòng chống dịch an toàn, giúp đỡ cộng đồng tại tổ dân phố, địa phương là một biện pháp giúp giảm sự tác động của đại dịch COVID-19 đến tâm lý, tinh thần của người cao tuổi.
- Khi thấy bản thân xuất hiện những biểu hiện khác thường dưới đây người cao tuổi cần thông báo cho người thân để tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm điều trị kịp thời, tránh kéo dài khiến bệnh nặng, khó điều trị:
Cảm thấy thay đổi tâm lý: mệt mỏi, lười biếng, kích động, tức giận, mất phương hướng, cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn với con cái, bối rối, buồn bã, lo lắng, bất lực, quá khích.
Khó ngủ, chán ăn, khó làm việc nhà hàng ngày, khó chăm sóc bản thân và con cái, thiếu động lực, cô đơn, đau đầu kéo dài, căng cơ, thiếu năng lượng.
Thế giới trong tương lai có thể còn xảy ra nhiều đại dịch khác, nên từ hôm nay, mỗi cá nhân phải học cách chuẩn bị và phòng ngừa với những biến cố. Hãy tuân thủ biện pháp 5K. Nghĩ tích cực lên thay vì ngồi lo lắng, bất an, sợ hãi.