Topbanner

Người Việt trên 80 tuổi thường mắc gần 7 bệnh, 60 tuổi mắc 2,6 bệnh, 67% người cao tuổi sức khoẻ yếu và rất yếu

Đáng sống

Mặc dù tuổi thọ trung bình của người Việt được cho là cao nhưng những năm tháng cuối đời thì người cao tuổi thường phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép.

Tốc độ già hóa dân số nhanh và gánh nặng bệnh tật

Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số, và chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019.

Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương năm 2016 trên 610 cụ trên 80 tuổi tại Sóc Sơn (Hà Nội) cho thấy, trung bình 1 người cao tuổi mắc 6,9 bệnh.

Tại cuộc họp trực tuyến ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19" mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành…

Con số giật mình: Người Việt trên 80 tuổi thường mắc gần 7 bệnh, 60 tuổi mắc 2,6 bệnh, 67% người cao tuổi sức khoẻ yếu và rất yếu - Ảnh 1.

Người cao tuổi đang chịu gánh nặng bệnh tật - Ảnh minh hoạ.

Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh. Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.

Đặc biệt, người cao tuổi thường bị mắc đan xen đa bệnh lý, sức khỏe suy giảm nên công tác điều trị, dự phòng thường gặp nhiều khó khăn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến hơn 67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu.

Ngoài những bệnh lý mãn tính không lây hiện nay người cao tuổi Việt Nam cũng đang phải đối mặt vấn đề sa sút trí tuệ tăng. Theo một nghiên cứu năm 2016 tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho thấy, trong tổng số 230 người được khảo sát, có 109 người (chiếm 47,4%) bị suy giảm nhận thức, 62 người bị sa sút trí tuệ (chiếm 27%) và 47 người bị suy giảm nhận thức giai đoạn nhẹ (chiếm 20,4%).

Trong đó, người bệnh sa sút trí tuệ thường nhập viện khi đã ở giai đoạn nặng của bệnh, có khi nằm liệt giường kèm nhiều biến chứng như loét tì đè, viêm phổi hít…

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, hiện nay người cao tuổi đang mắc các loại bệnh đa dạng hơn. Tình trạng sức khỏe của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, trong đó tuổi càng tăng thì tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm bệnh càng dài.

Để người cao tuổi khỏe mạnh với tuổi già

Đặc biệt, hiện nay không ít người cao tuổi thường suy nghĩ tiêu cực, lo sợ rằng bản thân trở thành gánh nặng cho con cháu. Điều này gây trở ngại cho quá trình điều trị.

Từ việc hiểu được sự cô đơn của ông bà, con cháu cần phải hành động thế nào, có cách chăm sóc ông bà làm sao; Hay “Đừng lãng quên” chính mình, thì ông bà cha mẹ hãy quan tâm, hãy tự chăm sóc sức khoẻ vì chính mình và vì con cháu…

Với mong muốn người cao tuổi có một cuộc sống an nhiên, khỏe mạnh lúc về già, ít phải chịu gánh nặng bệnh tật giai đoạn cuối đời Bệnh viện Đại học Y hợp tác với VCCORP & MXH Lotus thực hiện chuyên đề Sống khỏe - Quà tặng cháu con trên hệ thống các trang tin Soha.vn, Cafef, Kenh14...

"Sống khỏe - Quà tặng cháu con" là chuỗi hoạt động trọng điểm trong vòng 3 tháng được triển khai ngay từ tháng 10/2021 giúp cho người cao tuổi có thể tự chăm sóc sức khỏe sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân một cách dễ dàng thông qua nhiều hình thức thông tin và tư vấn (giải đáp các thắc mắc 24/7 qua tổng đài của bệnh viện).

Chuyên đề: "Sống khỏe - Quà tặng cháu con" sẽ tập trung vào 4 chủ đề cụ thể bao gồm: Người cao tuổi an toàn trong đại dịch Covid-19; Cẩm nang sức khỏe 50; Người già không cô đơn; An hưởng tuổi già.

Bên cạnh đó, chuyên đề sức khỏe này sẽ giúp cho thế hệ người Việt trẻ (con, cháu) sẽ có thêm kiến thức và quan tâm hơn đến người cao tuổi trong gia đình.