Gần đây, chương trình talkshow nổi tiếng mang tên "Phái bàn tròn" đã thu hút không ít sự chú ý của dư luận Trung Quốc nhờ sự quy tụ của nhiều giáo sư, chuyên gia, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tại đất nước này. Những chủ đề thường được đưa ra thảo luận tại đây thường là các vấn đề hiện hữu đang được xã hội đặc biệt quan tâm - đặc biệt là trên phương diện giáo dục.
Trong mùa thứ 3 vừa rồi của "Phái bàn tròn", các khách mời đã cùng nhau bàn luận về một quan điểm giáo dục đang rất được tôn sùng. Đó chính là quan điểm "Học để thành công".
Liệu rằng phương pháp giáo dục lấy "thành công" làm mục tiêu như vậy có thực sự hiệu quả giống như mong muốn của nhiều bậc phụ huynh nước này hay không?
NGUYÊN NHÂN CHUNG TỪ 3 BI KỊCH
Vào năm 2014, dư luận Trung Quốc không khỏi bàng hoàng trước sự việc một học sinh tiểu học ở tỉnh An Huy đã nhảy lầu tự tử vì áp lực học hành.
Năm 2017, cộng đồng người Hoa ở nước ngoài chấn động khi nghe tin nữ du học sinh người Trung Quốc tên Giang Ca đã chết thảm ở Nhật Bản vì nhát dao chí mạng của một nam đồng hương. Hung thủ của vụ án này là Trần Thế Phong. Được biết, động cơ gây án của kẻ giết người là vì y không muốn chia tay với bạn thân của nạn nhân.
Năm 2018, cộng đồng mạng nước này tiếp tục dậy sóng khi nghe tin một thạc sĩ tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh trong suốt 12 năm đi du học Mỹ không về nhà ăn Tết lấy một lần, sau cùng còn viết một bài văn dài xấp xỉ 10.000 chữ để "tố cáo" việc cha mẹ mình đã "quan tâm thái quá".
Trong 3 vụ việc từng gây chấn động kể trên, ngoài vụ tự sát có nạn nhân là một học sinh tiểu học, 2 trường hợp còn lại đều là những người trưởng thành có năng lực suy nghĩ độc lập, thậm chí còn sở hữu trình độ học vấn cao và được tiếp thu những tinh hoa giáo dục tân tiến.
Vậy vì sao những người này lại có lòng oán hận nặng nề và thù địch sâu sắc với những người xung quanh tới như vậy?
Theo quan điểm của các khách mời tham gia chương trình "Phái bàn tròn", có rất nhiều vấn đề giáo dục xoay quanh 3 vụ việc tưởng chừng như không hề liên quan với nhau này.
Trong số các quan điểm được nêu ra, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc là Mã Vị Đô đã chỉ rõ một nguyên nhân sâu xa dẫn tới sai lầm nghiêm trọng hiện hữu trong cả 3 câu chuyện đau lòng kể trên.
Theo đó, ông Mã Vị Đô đã đưa ra một lý giải hết sức rõ ràng: "Con cái của các gia đình ở Trung Quốc có quá ít người được dạy về thất bại".
"THÀNH CÔNG" THẬT SỰ LÀ GÌ?
Các phụ huynh chỉ dạy con làm sao để trở thành những người "thành công" mà quên không dạy cho các em làm thế nào để chấp nhận và đứng lên sau thất bại. Những đứa trẻ chưa từng trải qua thất bại, một khi bước chân vào xã hội nhất định sẽ vấp ngã rất nhiều lần.
Đối với nhóm con cái được thừa hưởng sự giáo dục "chỉ biết tới thành công" như thế vậy, một khi vấp ngã, họ rất khó có thể thức tỉnh bản thân mà thường quy toàn bộ trách nhiệm cho gia đình, xã hội.
Ngày nay, thế giới xung quanh chúng ta đang trở nên sùng bái quá mức việc học tập để tạo nên thành công.
Tuy nhiên không nhiều người thực sự nhìn ra được một điều: Người thành công phải có đủ cả sự nỗ lực, trí thông minh cùng sự may mắn. Và số người cùng lúc có được tất cả những yếu tố này quả thực không nhiều.
Dường như đối với những người bị ám ảnh với hai chữ "thành công", nếu không thể được như ý nguyện, họ cũng chẳng thể sống một cách quang minh chính đại chứ đừng nói tới việc hưởng thụ cuộc sống.
Với một tâm thế như vậy, trong lòng họ luôn ngập tràn sự lo âu, đầy ắp sự đèn nén, có đôi khi sẽ trở nên cực đoan, lệch lạc, thậm chí dễ dàng đi vào những con đường sai trái không thể cứu vãn.
Thực tế, thành công là một thứ khó có thể cân đo đong đếm bằng những con số.
Điều này cũng giống như việc người có mức lương 10 triệu mơ ước kiếm được 100 triệu mỗi tháng, nhưng người có mức lương trăm triệu lại trằn trọc suy nghĩ làm sao để thu về tiền tỉ.
Kết quả là dù lương thấp hay lương cao, dù nhiều tiền hay ít tiền, chẳng ai trong số họ là không lo âu, không khổ não.
Nếu cứ mãi cố chấp vì những thứ như vậy, đời người có lẽ vĩnh viễn chỉ là những tháng ngày mệt nhọc vì bạt mạng lao theo guồng quay của những cuộc đua mà thôi!
Và rồi có lẽ phải tới lúc cuối đời, những con người ấy mới nhận ra rằng thứ đã hủy hoại cả một đời nhân sinh của họ chính là 4 chữ "học để thành công"!
Cho nên, việc thừa nhận mình là một người bình thường vốn chẳng phải là điều gì mất mặt.
Cần phải nhấn mạnh rằng, việc phấn đấu để đạt được thành tựu, để vươn tới những đỉnh cao theo một cách tích cực luôn là điều tốt. Thế nhưng nếu lấy khái niệm trừu tượng như "thành công" để làm thành một thước đo áp đặt, trở thành một khuôn mẫu cứng nhắc để đào tạo, dạy dỗ con trẻ, thì có lẽ "thành phẩm giáo dục" mà chúng ta có được chỉ là những con người luôn mang trong lòng đầy ắp lo âu và áp lực mà thôi.
Vậy thì thà rằng dùng hai chữ "thất bại" để dạy họ biết chấp nhận khuyết điểm của bản thân, biết nuôi dưỡng lòng biết ơn với cuộc sống, bồi dưỡng sự kiên cường, tạo nên một cuộc sống ung dung, tự tại, biết đâu có thể sẽ là một lựa chọn tốt hơn?
* Dịch từ tư liệu nước ngoài.
Pháp luật và bạn đọc